Di tích Nghĩa_hội_Quảng_Nam

Đèo Đá Bon

Đèo Đá Bon (ở Thôn An Tây, xã Quế Thọ) có vị trí hiểm trở, một bên là núi có độ cao 381 m, cách Tân An 6 km về hướng bắc, một bên là ruộng bậc thang, lưng chừng đèo có một hòn đá rất to và có lỗ hổng bên trong, theo lời kể của dân gian khi gõ vào đá kêu bon, nên gọi là đèo Đá Bon, đây là căn cứ phòng thủ của Nghĩa hội Quảng Nam. Cuối năm 1886, khi quân Pháp tiến hành càn quét, Nguyễn Duy Hiệu rút quân khỏi Trung Lộc và chọn Hiệp Đức làm căn cứ kháng chiến mới. Về Hiệp Đức, Nguyễn Duy Hiệu cho đóng quân ở các điểm: Ang Vang, An Lâm, Ang Tráng, Bình Huề, Mỹ Lưu. Trong đó An Lâm được chọn làm cứ điểm chính, đèo Đá Bon và Bình Huề là hai cứ điểm phòng thủ quan trọng của nghĩa quân. Đèo Đá Bon, An Lâm và Bình Huề đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ra quyết định bảo vệ vào năm 1999.

Căn cứ An Lâm và Bình Huề

Căn cứ An Lâm (nay là thôn An Lâm, xã Thăng Phước, cách thị trấn Tân An 15 km về phía đông và cách trung tâm xã Thăng Phước 3 km về phía đông) là một trong những vị trí quan trọng thuận lợi về giao thông và phòng thủ nên được chọn làm đại bản doanh của Nghĩa hội Quảng Nam.

Song song với xây dựng trụ sở căn cứ ở An Lâm, Nguyễn Duy Hiệu còn cho xây dựng căn cứ Bình Huề (ở thôn 1 xã Quế Bình, cách Tân An 3,5 km về hướng tây). Tại hai căn cứ này, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La cho xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố cùng với Đèo Đá Bon tạo nên thế phòng thủ vững chắc. Cuối năm 1887, các căn cứ này bị thất thủ trước sự tấn công của quân Pháp.

Hiện trong dân gian còn tương truyền nhiều giai thoại về lực lượng nổi dậy do Nguyễn Duy Hiệu chỉ huy. Khi đóng quân ở đây, ông chủ trương tăng gia sản xuất, khai mương, đắp đập, chăm lo đời sống cho người dân. Vì thế quân nổi dậy nhận được sựủng hộ từ người dân. Ngày nay, các di tích này không còn nguyên trạng như xưa[3].